Để minh chứng cho điều này, những tên tuổi người Mỹ gốc Việt Trung Dung, Chinh E. Chu, David Duong… đã “lọt” vào danh sách tỷ phú Mỹ và liên tục xuất hiện trên các báo và tạp chí nổi tiếng như Forbes, Fortune, Financial Times, Wall Street Journal, San Francisco Chronicle...
Trung Dung: 2 USD gây dựng sản nghiệp
Chuyện về một thanh niên người Việt đặt chân đến Mỹ với vỏn vẹn 2 USD trong túi và rồi 15 năm sau, anh đã bán công ty riêng của mình với giá 1,8 tỉ USD, đang trở thành huyền thoại trong thế giới công nghệ cao. Và rồi, năm 2006, anh đã trở về Việt Nam từ thung lũng Sillicon để nhận danh hiệu Vinh danh nước Việt vì có nhiều công lao đóng góp cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và vì sự phát triển đi lên của đất nước.
Tỷ phú Trung Dung
Tiến sĩ Trung Dung sinh ngày 26/3/1967 tại Việt Nam. Năm 1984, khi mới 17 tuổi, anh cùng một số người trong gia đình rời Việt Nam và sang định cư tại sang Mỹ một năm sau đó. Lúc bấy giờ, khi bắt đầu đặt chân lên đất Mỹ, Trung Dung chỉ có trong tay 2 USD và vốn tiếng Anh rất ít ỏi.
Song, với ý chí mãnh liệt vươn lên của bản thân, chàng thanh niên gốc Việt đã đã vượt qua được kỳ thi tại Mỹ với những kiến thức về toán học và khoa học tự nhiên nổi bật để được ghi tên học hai môn Toán và Tin học tại Đại học Massachusetts ở Boston. Và có lẽ, đây là thời gian khó khăn nhất với anh: vừa học vừa làm đủ thứ công việc, từ rửa chén bát trong nhà hàng đến kỹ thuật viên trong các phòng máy tính để nuôi sống bản thân và gia đình.
Hàng tháng, anh trích một phần ba khoản thu nhập - từ 300 đến 400 USD - để gửi về gia đình ở Việt Nam. Cuối cùng, anh đã lấy được hai bằng đại học về toán và tin học, đồng thời hoàn tất một phần lớn chương trình cao học. Năm 1992, Trung Dung bảo vệ thành công tiến sĩ ngành Khoa học máy tính tại Đại học Massachusetts.
Năm 1994, Trung Dung làm kỹ sư trưởng (Senior Engineer), phụ trách biên soạn phần mềm kinh doanh điện tử cho công ty Open Market Inc. Năm 1996, anh quyết định xin thôi việc tại hãng Open Market để thành lập công ty On Display Inc và đầu tư tất cả thời gian, công sức sáng tạo để theo đuổi kế hoạch phát triển một chương trình giúp các công ty kiểm soát, quản lý công việc kinh doanh qua mạng.
Được sự hỗ trợ của Mark Pine, OnDisplay trở thành một trong những công ty phần mềm thành công, thu hút những khách hàng như Travelocity.com. Ý tưởng của anh thuyết phục được các nhà đầu tư và đã có thể huy động được 35 triệu USD từ các nhà đầu tư trước khi chuyển sang cổ phần hóa.
Và khi công ty chuyển sang cổ phần hóa (năm 1999), trị giá cổ phiếu của tiến sĩ Trung Dung trên giấy tờ là 85 triệu USD. Năm tháng sau, công ty và thương hiệu này được chuyển nhượng cho Vignette với cái giá 1,8 tỉ USD.
Tiếp tục con đường làm giàu, Trung Dung đầu tư 1 triệu USD vào Fogbreak và tìm kiếm nguồn vốn và lần này thì dễ dàng hơn, từ những nhà đầu tư như Mark Pine. Với Fogbreak, anh đặt mức yêu cầu cao hơn trước.
Vừa là sáng lập viên, vừa đảm nhiệm chức vụ Giám đốc điều hành, anh muốn làm cho Fogbreak phát triển thành một công ty lớn và có lợi nhuận ngang ngửa với PeopleSoft nổi tiếng của Mỹ. Ngoài ra, Trung Dũng còn là nhà đầu tư chính và là thành viên Hội đồng Quản trị của công ty DICentral.
Hiện, là tỷ phú người Việt ở Mỹ, nhưng điều khiến cho bạn bè và đối tác đánh giá cao Trung Dung không chỉ ở năng lực và lòng quyết tâm đã dẫn đến thành công của anh, mà còn là một tấm lòng luôn hướng về Tổ quốc. Hiện nay, anh đang là Giám đốc điều hành của V-Home Group, một tập đoàn đầu tư có mục đích là trở về làm ăn tại Việt Nam.
Chinh E. Chu: Phất lên từ phố Wall
Ở tuổi 44, Chinh E. Chu có tổng tài sản hơn 1 tỉ USD, là Giám đốc Quản trị Tài sản của Tập đoàn Blackstone và được giới kinh doanh người Việt sống tại Mỹ đánh giá là người thành công nổi bật nhất trong cộng đồng.
Chinh Chu là người kín tiếng, ít phô trương ở phố Wall. Tuy nhiên, những thương vụ mà ông đã từng thực hiện lại được rất nhiều người biết đến. Trong số đó, đáng kể nhất là việc ông đạo diễn mua tập đoàn hóa chất Celanese với tổng trị giá 3,8 tỉ USD năm 2005.
Theo lời kể của tỷ phú gốc Việt này, khi còn đi học, ông không bao giờ nghĩ mình có thể tham gia vào lĩnh vực tài chính ở Phố Wall. Tuy nhiên, những cơ hội cuộc đời đã đưa ông tiếp cận lĩnh vực này. Song, yếu tố quan trọng nhất đưa ông đến với thành công là “ khả năng phân tích sâu sắc và nhạy bén về tài chính”, James Barlett, Tập đoàn Teletech, nhận xét.
Năm 2008, Chính Chu đã mua căn hộ tầng 89 và một nửa tầng 90 của toàn tháp TrumpWorldTower với giá 34,5 triệu USD. Không những vậy, ông còn chi thêm 5 triệu USD để mua phần không gian trên nóc tòa tháp. Cơ ngơi đó của ông gồm 34 phòng, với 12 phòng ngủ, và 16 phòng tắm. Đây là tòa tháp nổi tiếng của tỷ phú bất động sản Donald Trump vì khách hàng của các căn hộ đều là những nhân vật giàu có, tiếng tăm.
Bận rộn trong công việc kinh doanh, nhưng ông cũng nổi tiếng về tấm lòng từ thiện. Ông thường cùng vợ và chị gái trực tiếp điều hành 2 quỹ từ thiện của gia đình là Vietnam Relief Effort và Ha Phuong Foundation. Quỹ Vietnam Relief Effort, từ ngày thành lập đến nay, chuyên xây trường, cấp học bổng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em nghèo ở nông thôn Việt Nam.
David Duong: Thành danh nhờ “yêu” rác
David Dương sinh năm 1958 tại Sài Gòn trong một gia đình có truyền thống kinh doanh. Năm 1979, ông theo gia đình sang định cư tại San Francisco (Mỹ).
Để phát huy truyền thống kinh doanh, năm 1980, David Dương cùng gia đình đã khởi đầu công việc kinh doanh bằng cách góp vốn của các thành viên lại và mua một chiếc xe tải đã qua sử dụng để mua gom giấy, phế liệu. Và trong những năm đó, David Dương ban ngày đi học tiếng Anh, tối về lại lái xe đi thu lượm phế liệu.
Năm 1983, David Dương và gia đình đã thành lập ra công ty tái chế phế liệu East West Recycling. Năm 1984, công ty East West được đổi tên thành Cogido Paper Corp và ông Dương khi ấy đã trở thành Giám Đốc điều hành với dây chuyền phân loại và đóng kiện phế liệu trước khi mang đi bán.
Từ đó, công ty bắt đầu tìm kiếm khách hàng để xuất khẩu trực tiếp phế liệu đến các nước và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Philippines, Indonesia, Japan, Thailand... Năm 1987, Cogido Paper Copr mở thêm một chi nhánh thu gom phế liệu tại thành phố San Jose, bang California.
Cuối năm 1989, với hai cơ sở thu mua phế liệu, Giám Đốc David Dương đã có số khách hàng người Việt đông với gần 100 xe tải đi thu gom và bán phế liệu cho Cogido. Cùng năm, Giám Đốc Dương đã quyết định nhượng lại Cogido cho một Công ty thu gom và xử lý rác lớn thứ 4 của nước Mỹ.
Năm 1992, ông David Dương thành lập một công ty thu gom phân loại xử lý chất thải rắn mang tên California Waste Solutions (CWS). Là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc điều hành công ty, ông David Dương đã xây dựng và phát triển CWS từ một cơ sở nhỏ trở thành một công ty lớn mạnh.
Dưới bàn tay của tỷ phú Việt này, công ty CWS đã hoạt động rất thành công và được Tạp chí uy tín Waste Age bình chọn xếp thứ 37 trong số 100 công ty hàng đầu trong ngành thu gom vận chuyển và xử lý rác tại Mỹ. CWS hiện có 4 nhà máy thu gom và xử lý chất thải rắn.
Vốn là người luôn “đau đáu” với quê hương, năm 2004, ông Dương trở về Việt Nam đầu tư dự án Công Ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (Vietnam Waste Solutions, Inc - VWS). Ngày 30/4/2004, ông David Dương chính thức bắt đầu thực hiện dự án xây dựng Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn tại TPHCM, bao gồm một nhà máy hiện đại chuyên phân loại, thu gom nguyên liệu tái chế và tái sử dụng rác thải; một nhà máy chế biến phân compost từ rác hữu cơ; một bãi chôn lấp rác an toàn, hợp vệ sinh…
Được biết, tháng 2/2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bổ nhiệm ông David Dương làm ủy viên Quỹ Tài trợ giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation - VEF), một tổ chức độc lập do Quốc hội Mỹ lập và được tài trợ bởi Chính phủ Mỹ, có sứ mệnh thúc đẩy quan hệ Mỹ - Việt Nam thông qua giao lưu giáo dục trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Theo An Đông
Báo Đất Việt